Tại Việt Nam xe máy là phương tiện chính trong giao thông, để xe máy hoạt động ổn định việc lựa chọn dầu nhớt là vô cùng quan trọng. Để xe máy tiết kiệm xăng và kéo dài tuổi thọ động cơ máy tốt hay không được quyết định bởi việc chọn nhớt cho xe máy của bạn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tư vấn đến các bạn những kiến thức cơ bản về dầu nhớt, để bạn có cách chọn nhớt tốt hơn cho xe máy của mình.
Nhớt xe máy là gì?
Nhớt xe máy hay còn được gọi là dầu nhớt cho xe máy. Đây là hỗn hợp được điều chế từ dầu gốc và hệ phụ gia làm gia tăng tính chất của dầu. Người ta cũng hay gọi chế phẩm này là dầu nhờn thương phẩm để bôi trơn cho động cơ xe máy.
Hệ phụ gia được thêm vào để gia tăng tính chất dầu nhớt xe máy là: phụ gia bôi trơn, phụ gia chống mài mòn, phụ gia gia tăng tuổi thọ.
Thông số kỹ thuật dầu nhớt xe máy
Kiểm tra thông số kỹ thuật dầu nhớt xe máy trước khi mua là bước khá quan trọng trong việc lựa chọn dầu nhớt phù hợp cho xe. Hiệp hội kỹ sư ô tô Mỹ (SAE) đã đưa ra kết quả nghiên cứu việc dùng dầu nhớt cho xe máy như sau:
Thông số dầu đơn cấp
Dầu đơn cấp (SAE 40, 50) nên được sử dụng cho động cơ bôi trơn ở nhiệt độ cao. Khi nhiệt độ môi trường thấp, dầu trở lên đặc và khó khăn trong quá trình vận hành.
Thông số dầu đa cấp
Dầu đa cấp (SAE 10W30, 10W40, 20W50) sử dụng công nghệ dầu nhớt đa cấp có khả năng khởi động đa dạng. Dòng sản phẩm này phù hợp với khí hậu khắc nghiệt ở nhiều nơi.
Ký hiệu W trên sản phẩm
Chỉ số W trên ký hiệu sản phẩm là cấp độ nhớt trong điều kiện nhiệt độ thấp. Theo đó, số trước W càng nhỏ thì dầu càng vận hành tốt hở điều kiện nhiệt độ thấp.
Số sau W thể hiện cấp độ nhớt hoạt động tốt trong điều kiện thời tiết nóng. Số sau W càng lớn cho thấy dầu có khả năng vận hành tốt hơn điều kiện nhiệt độ và áp suất cao.
Các loại dầu xe máy phải thay
Dầu nhớt động cơ
Dầu nhớt động cơ là loại nhiên liệu giúp động cơ xe máy có thể vận hành một cách trơn tru. Dầu được tạo thành từ hỗn hợp gồm dầu gốc và hệ phụ gia. Các phụ gia được sử dụng để gia tăng chỉ số độ nhớt, phụ gia chống oxy hóa, phụ gia tẩy rửa. Ngoài ra, chúng còn được bổ sung phụ gia chống mài mòn, phụ gia ức chế chống gỉ, giảm ma sát. Từ đó, giúp động cơ luôn hoạt động tốt nhất trong các điều kiện nhiệt khác nhau.
Dầu nhớt hộp số
Nhớt hộp số xe máy hay còn được gọi là dầu láp. Dầu láp có chức năng bôi trơn hệ truyền động sau của xe tay ga. Bởi vậy, loại dầu này cũng giữ vai trò quan trọng trong quá trình vận động của xe.
Một số người dùng thường không để ý việc thay dầu nhớt hộp số cũng quan trọng như dầu nhớt động cơ. Vì vậy, dẫn đến hiện tượng bánh răng bị hư hỏng do rỉ sét, vỡ vòng bi… Hơn thế nữa, việc thiếu dầu nhớt hộp số hoặc dầu không còn đảm bảo việc vận hành sẽ dẫn đến hiện tượng kẹt bánh răng. Ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của thiết bị cũng như gây tốn kém chi phí cho người sử dụng.
Kinh nghiệm chọn nhớt xe máy
1, Lựa chọn dầu nhớt theo gốc dầu
Có 3 loại dầu nhớt cơ bản trên thị trường hiện nay gồm dầu gốc khoáng, bán tổng hợp và tổng hợp hoàn toàn.
Dầu gốc khoáng: Dầu gốc khoáng có giá thành rẻ nhất, dao động từ 80.000 – 100.000 đồng, thời gian thay trung bình 2.000 km. Dầu gốc khoáng là một hỗn hợp các phân tử hydro carbon có hình dạng, kích thước và tính chất lý hóa không đồng nhất nên tính năng bôi trơn không ổn định, và nhanh xuống cấp.
Dầu bán tổng hợp ở tầm giữa, dao động từ 100.000-180.000 đồng, thời gian thay trung bình 3.000 km. Dầu bán tổng hợp được làm từ hỗn hợp dầu gốc khoáng và dầu tổng hợp, mang lại những công năng của dầu tổng hợp đồng thời giúp giảm bớt chi phí cho người tiêu dùng.
Dầu tổng hợp hoàn toàn cao cấp nhất, dao động từ 180.000 đến hơn 400.000 đồng, thời gian thay có thể lên đến 5.000 km. Dầu tổng hợp sản xuất chuyên dụng với yêu cầu khắt khe, nên có tính bôi trơn cao, thời gian sử dụng dài và ít hao hụt.
Nhiều người nghĩ rằng, dầu nhớt cao cấp đồng nghĩa với việc phải mang xe đi thay dầu ít hơn so dầu nhớt thông thường. Tâm lý này sai hoàn toàn. Loại dầu nhớt cao cấp bảo vệ động cơ tốt hơn, và khi đủ số km phải thay, chất lượng dầu nhớt vẫn còn tốt, không bị mất đi chức năng.
2, Lựa chọn dầu theo độ nhớt
Chúng ta cần chọn nhớt với độ nhớt phù hợp thì xe sẽ tiết kiệm xăng tốt hơn. Một số bạn thường chọn độ nhớt càng cao cho xe máy vì cho rằng nhớt sẽ tốt hơn, máy xe êm và tiết kiệm xăng. Tuy nhiên, bạn cần ghi nhớ rằng: dầu nhớt có độ nhớt cao thường được sử dụng cho các xe cũ, sẽ giúp xe hoạt động êm hơn, tuy nhiên, đồng nghĩa với việc động cơ gây tốn xăng hơn khi vận hành.
Cùng với đó, độ nhớt cao làm cho độ linh động của phần tử dầu nhớt kém hơn, bơm tốn nhiều thời gian hơn để đẩy nhớt tới các bộ phận động cơ cần bôi trơn. Hiện tượng trên có thể gây hư hại cho động cơ đặc biệt trong mùa lạnh khi khởi động xe.
Với dầu nhớt có độ nhớt thấp, xe sẽ đỡ tốn nhiên liệu hơn. Nhưng do đặc tính loãng cao, khi bạn dùng nhớt có độ nhớt quá thấp sẽ rất khó duy trì mảng dầu giữa các bề mặt kim loại do ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ động cơ và sẽ khiến cho xe hay gặp phải hiện tượng tắt máy giữa chừng.
3, Lựa chọn dầu nhớt theo phẩm cấp độ nhớt SAE
Khi nói đến tiêu chuẩn phân biệt cấp độ nhớt, SAE đang là tiêu chuẩn cơ bản và được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Đây là tiêu chuẩn của hiệp hội kỹ sư ô tô Mỹ giúp phân biệt các cấp độ nhớt. Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy các tiêu chuẩn nhớt cụ thể của SAE được in rõ ràng trên chai nhớt, bao bì của nhớt.
Hiện nay, dầu nhớt đa cấp trên thị trường được biểu thị và phân biệt dựa trên 2 cấp độ nhớt sau chữ SAE mà bạn thường thấy trên thông tin nhớt. Ví dụ: SAE 10W40, SAE 5W40, SAE 20W50,… Khi bạn nhìn vào các con số này, bạn có thể biết được độ nhớt của loại nhớt bạn cho xe máy như sau:
+ Con số đầu tiên trước chữ W:
Con số đầu tiên trước chữ W: ( ví dụ 10 trong 10W40 ) sẽ biểu thị cho độ nhớt tiêu chuẩn của nhớt ở nhiệt độ thấp, thể hiện khả năng luân chuyển của nhớt trong điều kiện thời tiết lạnh. Con số này càng nhỏ thì loại nhớt bạn chọn chịu được nhiệt độ càng thấp, đảm bảo cho xe có thể khởi động trơn tru ngay khi ở nhiệt độ thấp vào buổi sáng, máy chưa hoạt động và chưa nóng máy.
+ Con số phí sau chữ W
Con số phí sau chữ W ( như ví dụ trên là 40 trong 10W40 ) cho biết độ nhớt yêu cầu ở nhiệt độ cao ( thường là 100 độ C hay 150 độ C ), thể hiện khả năng bôi trơn và bảo vệ máy của nhớt khi động cơ đã vận hành ổn định, máy nóng. Con số càng lớn thì nhớt càng có độ nhớt càng cao.
=> Như vậy, để lựa chọn loại nhớt phù hợp và tiết kiệm xăng, đối với các xe máy số thông thường, phổ biến là cấp độ nhớt SAE 10W40, 20W40, 15W40 hoặc 20W50. Đối với xe tay ga 4 thì cấp độ nhớt SAE 10W30; 5W40; 10W40; 15W40.
Ngoài ra, với các xe máy cũ thì bạn nên chọn loại nhớt có cấp độ nhớt 40 hoặc tối đa là cấp 50, đối với xe mới nên chọn loại dầu đa cấp độ nhớt 30 hoặc 40. Bạn cũng nên tham khảo thêm sổ tay hướng dẫn sử dụng xe của hãng sản xuất xe vì trong đó có ghi rõ thông số nhớt chuẩn của loại xe bạn dùng.
4, Lựa chọn dầu nhớt theo phẩm cấp chất lượng API
Cấp hiệu năng API (Viện dầu mỏ Mỹ) dùng để phân loại chất lượng của nhớt. Tùy theo sự phát triển của động cơ mà cơ quan này đưa ra các cấp độ mới. Trên chai dầu nhớt thường ghi rõ cấp API, ví dụ như “API SN/CF”. Ký hiệu “S” biểu trưng cho dòng dầu nhớt dành cho động cơ xăng và “C” đối với động cơ dầu. Xe máy dùng động cơ xăng nên chỉ cần quan tâm đến ký hiệu “S”. Chữ cái đằng sau đó biểu trưng các cấp và được xếp theo bảng chữ cái, chữ càng gần về cuối thì biểu thị cho phẩm cấp càng cao. Hiện tại, phẩm cấp SN là cao nhất, có nghĩa là trên SM, SL, SJ,…