Dầu nhớt đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống chuyển động của động cơ ô tô. Để bảo vệ động cơ ô tô, giảm hao phí nhiên liệu thì thay dầu nhớt định kỳ là việc không thể bỏ qua. Sau đây là một số thông tin và kinh nghiệm về dầu nhớt động cơ giúp ích cho khách hàng sử dụng xe tải nhẹ một cách bền bỉ, tiết kiệm chi phí.
I. Tác dụng của dầu nhớt động cơ
1. Tản nhiệt và làm nguội động cơ
Nhiệt lượng tỏa ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu trong động cơ là rất lớn. Nhờ quy trình luân chuyển liên tục, dầu nhớt sẽ tản nhiệt, làm mát, hạn chế giãn nở nhiệt gây bó kẹt các chi tiết máy, đặc biệt là các chi tiết liên quan của buồng đốt và tiếp xúc khí cháy mà nước làm mát không thể tiếp cận. Điều này có tác dụng lớn giúp tránh được tình trạng động cơ bị quá nhiệt hay cháy piston.
Dầu nhớt sẽ tản nhiệt, làm mát, hạn chế giãn nở nhiệt gây bó kẹt các chi tiết máy.
2. Bôi trơn chi tiết động cơ
Công dụng trước tiên của dầu nhớt là bôi trơn cho các chi tiết chuyển động. Động cơ được cấu thành từ rất nhiều chi tiết kim loại như piston, trục cam, xupap,… Khi động cơ vận hành, lực ma sát giữa các bộ phận này với nhau là rất lớn. Từ đây, hệ thống bơm sẽ đưa dầu nhớt vào mọi ngóc ngách bên trong động cơ để tạo thành một lớp đệm trơn tru trên bề mặt tiếp xúc giữa các chi tiết, giúp làm giảm lực ma sát và tăng hiệu suất vận hành. Đồng thời, việc hạn chế tiếp xúc này cũng giúp giảm thiểu sự mài mòn trên bề mặt kim loại, góp phần bảo vệ và tăng tuổi thọ động cơ.
3. Làm sạch động cơ
Khi xe vận hành, quá trình đốt cháy nhiên liệu sẽ diễn ra, đồng nghĩa với việc rất nhiều cặn bẩn, muội đen sẽ được sản sinh và đọng lại trong động cơ. Về lâu dài, muội đen bám càng nhiều, động cơ sẽ nhanh nóng hơn và trở nên tắc nghẽn. Lúc này, dầu nhớt sẽ đóng vai trò cuốn trôi và làm sạch động cơ, giúp xe chạy trơn tru và êm ái hơn.
4. Làm kín giữa piston và thành xilanh
Khi động cơ hoạt động, dầu nhớt sẽ đóng vai trò như một lớp đệm mềm không định hình bịt kín khe hở giữa piston và thành xilanh để áp suất sinh ra trong quá trình đốt cháy nhiên liệu không bị thất thoát.
5. Chống gỉ sét
Dầu nhớt sẽ tạo ra một lớp màng mỏng bao bọc và bảo vệ bề mặt các chi tiết kim loại bên trong động cơ để hạn chế sự tiếp xúc với không khí, tránh được hiện tượng oxy hóa dẫn đến han gỉ.
II. Khi nào nên thay dầu động cơ?
Các nhà sản xuất xe ô tô luôn có khoảng thời gian khuyến nghị cho việc thay dầu động cơ xe. Tuy nhiên, trên thực tế, thời điểm thay dầu nhớt còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Quý khách hàng sử dụng xe tải nhẹ Teraco có thể tham khảo các trường hợp sau đây được thực hiện thay dầu nhớt đúng thời hạn, đảm bảo vận hành hiệu quả của xe:
1. Sử dụng que thăm dầu để kiểm tra mức độ dầu, màu sắc và chất lượng dầu nhớt. Nếu dư dầu nhớt sẽ làm tăng mức tiêu hao nhiên liệu, thiếu dầu nhớt sẽ làm giảm tuổi thọ động cơ và cần châm thêm. Nếu dầu nhớt có màu đen thì đã đến lúc thay mới, nếu có màu cam là còn tốt.
2. Hoạt động của động cơ kém, tăng tốc kém; đèn báo áp suất dầu nhớt trên táp-lô; động cơ nóng hơn hay phát ra tiếng ồn lớn hơn bình thường; xe thải ra nhiều khói đen;…
Đèn báo áp suất dầu nhớt trên táp-lô giúp cảnh báo cần thay dầu nhớt động cơ.
3. Dựa vào quy định của nhà sản xuất. Mỗi loại xe khác nhau sẽ có định mức thay dầu nhớt ô tô cũng như loại dầu phù hợp khác nhau. Theo khuyến nghị của Daehan Motors, khách hàng nên đến các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng, xưởng dịch vụ ủy quyền chính thức để kiểm tra và thay mới dầu nhớt xe định kỳ sau mỗi 6 tháng hoặc 5.000km (tùy điều kiện nào đến trước).
Hướng dẫn kiểm tra dầu nhớt động cơ:
Khách hàng có thể tự kiểm tra nhanh dầu nhớt động cơ tại nhà để có những biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời trong trường hợp chất lượng dầu không còn tốt như sau:
Bước 1: Sau khi động cơ đã được làm nóng, tắt máy 30 phút cho dầu nhớt đủ thời gian hồi về các-te.
Bước 2: Rút que thăm dầu nhớt ra khỏi động cơ, dùng vải sạch lau khô đầu que thăm.
Bước 3: Tra lại que thăm vào động cơ và rút ra, cầm que thăm nằm ngang để kiểm tra mức dầu có nằm trong vùng tiêu chuẩn hay không
III. Cách đọc thông số dầu nhớt xe tải nhẹ
Quý khách tham khảo hướng dẫn cách đọc thông số sau đây để nắm được những thông tin cần thiết cũng như sử dụng sao cho phù hợp nhất.
1. Theo thông số cấp độ nhớt ASE:
Dầu nhớt đơn cấp | Dầu nhớt đa cấp |
– Thường dùng trong 1 mùa (mùa hè)
– Có ký hiệu như: SAE 15W, SAE 40, SAE 50,… – Chỉ hoạt động tốt khi ở nhiệt độ cao (bị đặc ở nhiệt độ thấp, khiến động cơ hoạt động khó khăn) |
– Dùng cho tất cả các mùa
– Có ký hiệu như: SAE 10W-30, SAE 20W-50,… Trong đó: + “W” – winter: dầu nhớt có thể dùng được cả mùa đông. + Số liền trước W: nhiệt độ động cơ mà xe hoạt động tốt. + Số liền sau W: sự loãng đặc của dầu nhớt, chỉ số này càng lớn thì dầu nhớt càng đặc và ngược lại. |
2. Theo chất lượng:
Theo chất lượng API | Theo chất lượng JASO | Theo chất lượng ACEA |
– Đối với động cơ xăng – ký hiệu bắt đầu bằng chữ “S”: SA, SB, SC, SD,… Các ký tự sau chữ “S” càng về sau theo thứ tự bảng chữ cái thì chất lượng dầu nhớt càng cao.
– Đối với động cơ diesel – ký hiệu bắt đầu bằng chữ “C”: CA, CA, CC,… CF-4, CG-4, CH-4,… Các ký tự sau chữ “C” càng về sau theo thứ tự bảng chữ cái thì chất lượng dầu nhớt càng cao. – Có 1 số loại dầu nhớ mà NSX cho phép sử dụng trên cả động cơ xăng và diesel thì 2 ký hiệu được ghi kết hợp với nhau và cách nhau bởi dấu “/”, ví dụ: SE/CD,… |
Thường được sử dụng cho xe máy. | – Ký hiệu “A” – động cơ xăng, “B” – động cơ diesel, “C” – động cơ diesel/xăng hạng nhẹ có sử dụng chất xúc tác, “E” – động cơ diesel hạng nặng:
+ Dầu nhớt dành cho động cơ xăng được chia thành các loại: A1, A3, A4, A5. + Dầu nhớt dành cho động cơ diesel được chia thành các loại: B1, B3, B4, B5. + Và 1 số thông số kết hợp khác. |