Dầu động cơ là gì?
Đây là một loại dầu được pha chế từ dầu gốc kết hợp với hệ phụ gia riêng biệt. Chuyên dùng cho động cơ xe máy, ô tô, tàu thủy… Trong nhiều trường hợp thì dầu cũng có thể được dùng cho thiết bị của các loại máy khác như máy phát điện, máy xúc, máy nổ… Dầu giúp cho động cơ hoạt động trơn tru, bền bỉ và tăng tuổi thọ.
Các tính năng của dầu động cơ?
Thông thường sẽ có các loại dầu có tính năng phù hợp với động cơ dầu hoặc động cơ xăng. Cũng có một số dòng sản phẩm phù hợp với cả hai loại trên. Tuy nhiên, nhìn chung thì dầu động cơ thường được thêm vào hệ phụ gia có các đặc tính cơ bản sau:
- Bôi trơn động cơ.
- Giảm nhiệt, làm mát.
- Làm kín.
- Giảm ma sát.
- Chống ô xy hóa.
- Chống gỉ sét.
- Chống mài mòn.
- Giảm tạo bọt.
- Phân tán bụi và tẩy rửa
Cách chọn dầu động cơ chuẩn
Phương tiện vận tải không chỉ chuyên chở hàng hóa mà còn vận chuyển con người. Chính vì vậy yếu tố an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Việc lựa chọn dầu động cơ chuẩn cũng đóng vai trò lớn trong sự hoạt động trơn tru của thiết bị. Vậy khi chọn dầu cần phải căn cứ và những yếu tố nào:
Lựa chọn theo độ nhớt của dầu
Chúng ta thường nghe tới khái niệm dầu nặng và dầu nhẹ. Dầu nặng là dầu có độ nhớt cao. Dầu nhẹ là dầu có độ nhớt thấp. Tùy theo đặc trưng của phương tiện mà chúng ta lựa chọn dầu động cơ có độ nhớt phù hợp. Bởi vì dầu có độ nhớt càng thấp thì càng bôi trơn tốt và dễ di chuyển. Nó cũng ảnh hưởng và quyết định tới khả năng giảm ma sát của dầu. Thông thường với các phương tiện có tốc độ di chuyển nhanh như ô tô, xe máy, mô tô thì chọn dầu có độ nhớt thấp. Các phương tiện có tốc độ không quá cao mà tải trọng lại nặng thì sẽ chọn dầu có độ nhớt cao. Ví dụ tàu thủy, tàu chậm chở khách, chở hàng…
Ý nghĩa các chỉ số dầu động cơ
Chúng ta thường thấy trên bao bì dầu nhớt thường có các ký hiệu ví dụ như: SAE 10W-40. Vậy từng thành phần trong ký hiệu này có ý nghĩa như thế nào:
Đầu tiên là SAE: Đây là viết tắt của Society of Automotive Engineers. Tức hiệp hội kỹ sư ngành ô tô. Là tổ chức đề ta tiêu chuẩn đánh giá dầu nhớt dựa trên độ nhớt. Tổ chức này có trụ sở tại Mỹ. Theo đó thì sẽ phân dầu nhớt thành 2 loai chính là đơn cấp và đa cấp.
Dầu đa cấp thường có 2 thông số trước và sau chữ W.
W ở đây nghĩa là Winter. Con số phía trước chữ W sẽ cho biết khả năng vận hành của dầu trong điều kiện lạnh (mùa đông). Công thức tính là lấy số đó trừ 40 thì ra nhiệt độ thấp nhất mà nhớt còn bơm được. Trong ví dụ trên thì kết quả là -30. Tức là loại dầu này vẫn còn bơm được ở nhiệt độ thấp nhất là -30 độ C.
Con số phía sau chính là độ nhớt động học của dầu ở điều kiện nhiệt độ 100 độ C. Và theo đó thì loại dầu trên có độ nhớt là 40 mm2/s.
Sau khi hiểu về ý nghĩa của ký hiệu viết tắt của dầu, hi vọng các bạn sẽ dễ dàng hiểu về tính chất cơ bản của chúng. Từ đó có những lựa chọn chính xác và phù hợp nhất.
Dầu nhờn động cơ ô tô sử dụng cho động cơ xe máy có được không?
Theo các chuyên gia, dầu động cơ ô tô không nên sử dụng cho động cơ xe máy do động cơ ô tô và xe máy có nhiều điểm khác biệt như sau:
- Tốc độ hoạt động: động cơ xe máy hoạt động ở tốc độ cao hơn nhiều so với ô tô. Do đó chịu tải lớn hơn, làm việc ở nhiệt độ cao hơn và đòi hỏi mức độ bảo vệ chống mài mòn cao hơn. Số vòng quay của động cơ lớn còn làm tăng nguy cơ tạo bọt, tăng nhiệt độ, làm giảm khả năng chịu tải của dầu nhớt và đẩy nhanh quá trình oxi hóa
- Tỉ số nén: động cơ xe máy có tỉ số nén lớn hơn động cơ ô tô. Do đó mức độ chịu tải và nhiệt lượng phát sinh cũng cao hơn. Nhiệt độ cao trong động cơ thúc đẩy nhanh quá trình xuống cấp, rút ngắn tuổi thọ và tăng lượng cặn lơ lửng trong dầu.
- Mật độ công suất/thể tích: cùng một thể tích, động cơ xe máy thường “gói ghém” một công suất gấp đôi động cơ ô tô. Dầu nhớt xe máy buộc phải làm việc trong môi trường nhiệt độ cao và chịu tải cao.
- Cơ chế làm mát có độ biến thiên nhiệt độ cao: hầu hết động cơ ô tô có cơ chế làm mát bằng nước. Tùy theo thiết kế, động cơ xe máy sử dụng kết hợp cả hai cơ chế làm mát bằng nước và bằng không khí.
- Bôi trơn đa chức năng: chức năng chính của dầu nhớt xe ô tô là bôi trơn động cơ, các thành phần khác, như hộp số, có khoang chứa dầu riêng và có dầu nhớt bôi trơn riêng (cơ chế này tương tự như xe tay ga – scooter).Đối với xe máy (xe số), cùng một loại dầu nhớt phải thực hiện cả 2 chức năng bôi trơn động cơ và hộp số. Dầu nhớt xe máy cần có chỉ sổ ma sát phù hợp. Do đó, việc sử dụng dầu nhớt ô tô cho xe số có thể gây ra hiện tượng “trượt nồi” hộp số tương tự như trường hợp sử dụng nhầm nhớt xe tay ga cho xe số.