Giới thiệu
Với những tiến bộ về công nghệ, động cơ xe ngày nay được làm nhỏ, hoạt động mạnh mẽ và hiệu suất đạt chất lượng cao hơn. Kéo theo đó là ngành công nghiệp dầu nhớt cũng không ngừng phát triển để kịp theo đuổi và thích ứng được với hiện tại. Do đó. dầu động cơ cũng trở nên đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao.
Nếu như ở bài trước, chúng ta đã được tìm hiểu cơ bản về dầu nhớt và công dụng của nó đối với động cơ, thì ở bài này Ô tô Định Hòa Phát sẽ cùng tìm hiểu với quý khách về các loại dầu khác nhau, cũng như hướng dẫn quý khách cách phân biệt chúng nhé.
Phần 2: Các loại dầu nhớt và cách phân biệt
Về cơ bản, dầu nhớt có thể được phân biệt theo các tiêu chí sau:
+ Phân loại theo độ nhớt (SAE).
+ Phân loại theo tính năng (API).
Phân loại theo độ nhớt (SAE)
Tính chất của dầu nhớt
Trong động cơ, dầu có nhiều tác dụng như giảm ma sát giữa hai bộ phận tiếp xúc trực tiếp với nhau, giải nhiệt làm mát, làm kín, chống ăn mòn. Tuy nhiên, tác dụng cơ bản nhất của nó vẫn là giảm ma sát nên độ nhớt là chỉ tiêu có ảnh hưởng quan trọng nhất đến chất lượng của một sản phẩm dầu nhờn thương mại.
Độ nhớt của dầu thay đổi theo nhiệt độ. Khi ở nhiệt độ cao, độ nhớt giảm và ngược lại. Dầu có độ nhớt thấp dễ di chuyển hơn so với dầu có độ nhớt cao. Ngoài ra, do trọng lượng của các phân tử cấu thành nên dầu nhờn có liên quan trực tiếp đến độ nhớt của nó nên người ta thường gọi thành dầu nặng hay dầu nhẹ. Dầu nhẹ dùng để chỉ loại có độ nhớt thấp, dầu nặng chỉ dầu có độ nhớt cao.
Trên thực tế, dầu nhẹ dễ bơm và luân chuyển qua động cơ nhanh hơn. Ngược lại, dầu nặng thường có độ nhớt cao, di chuyển chậm hơn nên có áp suất cao hơn nhưng lưu lượng dầu qua bơm lại thấp hơn.
Phân loại theo độ nhớt (SAE) là gì ?
Ở phương pháp phân loại theo độ nhớt, các nhà sản xuất dầu nhớt thống nhất dùng cách phân loại của Hiệp hội kỹ sư ôtô Mỹ SAE (Society of Automotive Engineers). Các phân loại của SAE tùy thuộc vào sản phẩm dầu đó là đơn cấp hay đa cấp. Dầu đa cấp có độ nhớt thỏa mãn ở nhiều điều kiện nhiệt độ khác nhau còn dầu đơn cấp chỉ đáp ứng ở một nhiệt độ nào đó.
- Dầu nhớt có độ nhớt đơn cấp: Dầu động cơ có độ nhớt đơn cấp thường được ký hiệu là SAE 40, SAE 50. Các loại dầu nhớt có độ nhớt đơn cấp thường chỉ bảo đảm đạt độ nhớt ở nhiệt độ cao theo tiêu chuẩn để bôi trơn động cơ. Khi ở nhiệt độ thấp, độ nhớt đơn cấp có thể sẽ quá đặc, gây khó khăn cho quá trình khởi động cũng như lưu thông.
- Dầu nhớt có độ nhớt đa cấp: Dầu nhớt có độ nhớt đa cấp thường có ký hiệu là SAE 10W-30, 15W-40, 20W-50, SAE 0W-40… Nhớt đa cấp có thể khắc phục được nhược điểm của dầu nhớt đơn cấp, đảm bảo bôi trơn động cơ ở nhiệt độ cao, giúp xe dễ khởi động và lưu thông.
Cách nhận biết các loại dầu nhớt
Trước chữ W
Hệ thống phân loại của SAE khá phức tạp, nó liên quan tới nhiều khái niệm khác nhau. Tuy nhiên, có thể chỉ ra những yếu tố chính. Đối với dầu đa cấp, sau chữ SAE là tiền tố như 5W, 10W hay 15W, 20W. Những số đứng trước chữ “W” dùng để chỉ khoảng nhiệt độ mà loại dầu động cơ đó có độ nhớt đủ để khởi động xe lúc lạnh. Để xác định nhiệt độ khởi động theo ký tự này, bạn chỉ cần lấy 30 trừ đi các số đó nhưng theo nhiệt độ âm. Ví dụ, dầu 10W sẽ khởi động tốt ở âm 20 độ C. Tương tự, dầu 15W sẽ khởi động tốt ở âm 15 độ C.
Sau chữ W
Đứng sau chữ “W” ở loại dầu đa cấp có thể là chữ 40, 50 hoặc 60. Đây là ký tự dùng để chỉ khoảng độ nhớt ở 100 độ C của các loại dầu. Thông thường, số càng to thì độ nhớt càng lớn và ngược lại. Ví dụ, với xe hoạt động không quá khắc nghiệt như động cơ ôtô chẳng hạn, chỉ số này ở khoảng 30, 40 hoặc 50 là đủ. Với những động cơ hoạt động ở vùng nhiệt độ cao, chỉ số này phải cao hơn, khoảng trên 60. Do sự thay đổi nhiệt độ nên tùy thuộc mùa mà người ta dùng loại 40 hoặc 50. Trong mùa đông, trời lạnh, nhiệt độ động cơ thấp nên chỉ cần dùng loại nhỏ như 30, 40. Ở mùa hè, nhiệt độ động cơ cao nên có thể dùng loại 50.
Do đặc tính của dầu đa cấp nên người ta thường gọi nó là “dầu bốn mùa”. Khi có chữ “W”, khách hàng có thể hiểu nó dùng được cho cả mùa đông và mùa hè.
Ngoài loại đa cấp, nhiều nhà sản xuất cho ra cả loại dầu đơn cấp và chỉ có ký hiệu như SAE 40, SEA 50. Loại dầu này thường được dùng cho các loại động cơ 2 kỳ, máy nông nghiệp, công nghiệp…
Các loại dầu nhớt phổ biến ở Việt Nam
Các loại dầu động cơ ở các nước hàn đới thường là loại 5W, 10W, 15W. Để đạt được các yêu cầu khởi động lạnh, các nhà sản xuất phải thêm vào các chất phụ gia. Vì thế, dầu có số càng nhỏ thì giá thành lại càng đắt. Ở Việt Nam, thời tiết thường không quá lạnh, nên đa số các sản phẩm dầu nhớt thường là loại 15W hay 20W. Hơn nữa, 2 loại dầu nhớt này cũng có giá chỉ ở mức trung bình và rẻ, nên chúng càng phổ biến.
Phân loại theo tính năng (API)
API (American Petroleum Institute) là tiêu chuẩn đánh giá chất lượng dầu nhớt của viện dầu mỏ Hoa Kỳ. API được phân thành hai loại là dầu chuyên dụng và dầu đa dụng.
Các cấp chất lượng của API đối với động cơ chạy xăng là SA, SB, SC, SE, SF, SG,…và cấp mới nhất hiện nay là API SN. Đối với động cơ Diesel, API được ký hiệu là CA, CB, CC, CD…
Trong đó, chữ cái cuối cùng của ký hiệu được dùng để phân biệt các cấp và được xếp theo bảng chữ cái. Chữ cái càng đứng sau sẽ thể hiện cho cấp càng cao. Ví dụ, cấp API SN sẽ hơn SM và cao hơn SL…
Các phân loại dầu động cơ phổ biến cho xe ô tô
Dầu gốc khoáng
Dầu gốc khoáng mang đến khả năng bảo vệ cơ bản cho hầu hết các động cơ. Loại dầu này thường được sử dụng tạm thời trước khi chuyển sang dầu bán tổng hợp hoặc dầu tổng hợp toàn phần. Dầu gốc khoáng không thể bảo vệ tốt cho động cơ ở nhiệt độ thấp. Đồng thời, nó cũng dễ gây hỏng hóc nếu gặp nhiệt độ cao. Do đó, khi sử dụng bạn cần phải thay dầu thường xuyên để đảm bảo động cơ hoạt động trơn tru nhất.
Dầu công nghệ bán tổng hợp
Dầu công nghệ bán tổng hợp là sự cân bằng giữa giá trị kinh tế do dầu gốc khoáng mang lại cùng hiệu suất vượt trội của dầu tổng hợp toàn phần. Với khả năng bảo vệ, chống mài mòn động cơ tốt hơn so với các loại dầu nhớt thông thường, dầu công nghệ bán tổng hợp đang là sự lựa chọn phổ biến nhất hiện nay.
Dầu công nghệ tổng hợp toàn phần
Đây là loại dầu được đặc chế trong môi trường phòng thí nghiệm, dành cho động cơ công nghệ cao. Dầu công nghệ tổng hợp toàn phần hoạt động tốt trong điều kiện nhiệt độ thấp và duy trì bôi trơn hiệu quả ở nhiệt độ cao. Chống lại sự tích tụ của các cặn bẩn, giảm ma sát và hạn chế mài mòn các bộ phận trong động cơ.
Vì tính chất bền bỉ tuyệt vời nên dầu công nghệ tổng hợp toàn phần sẽ lâu xuống cấp. Do đó, giá thành của dầu tổng hợp toàn phần cũng khá cao so với dầu thông thường.
Cách kiểm tra chất lượng dầu nhớt động cơ
Để biết được chính xác một sản phẩm dầu động cơ bất kỳ có thực sự đạt được chất lượng như in trên bao bì hay không ta phải kiểm tra thông tin trên website chính thức của Viện dầu khí Hoa Kỳ www.api.org ( Tất cả các sản phẩm dầu động cơ đạt chuẩn chất lượng đều được kiểm chứng định kỳ bởi quy trình kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt của Viện dầu khí Hoa Kỳ và được công bố thông tin tại đây, kể cả nhớt động cơ dành cho xe máy).
Các bước kiểm tra API như sau:
Bước 1: Truy cập vào website www.api.org
Bước 2 : Chọn Products & Services -> Trong mục Engine Oil (EOLCS) chọn Licensee Directory -> View Licensee Directory
Bước 3: Nhập tên thương hiệu vào ô “Brand Name” hoặc tên của nhà hãng vào ô “Company Name” và bấm tìm kiếm
Bước 4: Tìm thông tin sản phẩm và kiểm tra.
Kết luận
Có thể thấy rằng, dầu nhớt là một trong những thành phần không thể thiếu của động cơ. Với mỗi người chủ xe, việc hiểu và sử dụng đúng loại dầu nhớt là vô cùng quan trọng. Điều này sẽ giúp duy trì tuổi thọ động cơ một cách đáng kể. Không chỉ vậy, nó còn giúp tăng độ “mượt”, độ “êm” của xế yêu mỗi lần sử dụng.